Nguyên nhân Biến_cố_Phật_giáo_năm_1963

Mâu thuẫn tôn giáo

Chế độ Ngô Đình Diệm do Mỹ hậu thuẫn nhằm duy trì một nhà nước chống Cộng tại miền Nam Việt Nam. Mặc dù Mỹ và Ngô Đình Diệm tuyên truyền về một chính quyền Cộng hòa trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng dư luận cho rằng chế độ Ngô Đình Diệm thi hành chính sách ngầm ủng hộ Thiên Chúa giáo và phân biệt đối xử với các tôn giáo khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963, trong đó có một nguyên nhân không thể không kể đến đó là mâu thuẫn tôn giáo[1].

Những người Phật tử và Việt Minh cho rằng ngay từ những ngày đầu nắm chính quyền, Ngô Đình Diệm đã thực hiện ý định mà ông ta từng ấp ủ là thành lập một đảng chính trị đối lập với Đảng Lao động Việt Nam, được gọi là Đảng Cần lao Nhân vị (hay đảng Cần Lao). Chính quyền Ngô Đình Diệm tuy không tuyên bố lấy Công giáo làm quốc đạo nhưng những gì diễn ra cho thấy đó là một chính quyền căn bản dựa trên Công giáo cả về hệ tư tưởng lẫn lực lượng chính trị. Trong khi đề cao Công giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm bị chỉ trích là kỳ thị các tôn giáo khác, chủ yếu là Phật giáo. Chỉ thị số 10 của Phủ Tổng thống (Diệm), lấy lại Đạo dụ của Quốc gia Việt Nam, quy định: “Tất cả các hiệp hội tôn giáo, văn hóa, thể dục chỉ có quyền chiếm hữu, tạo mãi, quản trị, đứng làm sở hữu chủ những bất động sản thật cần thiết để đạt mục đích của hội”. Đạo dụ đặt Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội ra ngoài, các tôn giáo trong đó có Phật giáo bị xem là các hiệp hội. Đây bị xem là chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.[1] Tuy nhiên trong báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc, thiếu tướng Trần Tử Oai cho rằng trong thời kỳ Ngô Đình Diệm làm tổng thống có 1275 chùa được xây mới và 1295 chùa được sửa chữa[4].

Một mặt Mỹ hậu thuẫn Ngô Đình Diệm, một tín đồ Công giáo, mặt khác Mỹ gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, trong đó đáng kể là cuộc di cư đưa người dân là tín đồ Công giáo miền Bắc vào miền Nam làm hậu thuẫn cho Ngô Đình Diệm. Trong khi đó, số dân Công giáo ở miền Nam là khá nhỏ bé so với số dân Công giáo miền Bắc. Vì vậy Mỹ muốn thực hiện ý đồ lôi kéo giáo dân đặc biệt là tầng lớp giáo sĩ chống cộng từ miền Bắc di cư vào Nam càng nhiều càng tốt.[1].

Nhiều nhân vật “người lương” muốn được tiến thân cũng phải cải đạo theo Công giáo. Không ít cơ sở thờ tự của Phật giáo và các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống bị phá bỏ, thay vào đó là cơ sở thờ tự của Công giáo. Trong thời kỳ này, Nguyễn Văn Thiệu người mà sau đó ít năm được làm Tổng thống của “nền đệ nhị cộng hòa” đã cải đạo theo Công giáo, vào đảng Cần lao nhằm mưu tính cho những nấc thang chính trị[1].

Ngoài Phật giáo, Công giáo, Tin Lành ở Nam Bộ còn là nơi phát tích của nhiều tôn giáo và các ông Đạo. Như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa đặc biệt là đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Thời chính quyền Ngô Đình Diệm, hai tôn giáo này đều có lực lượng vũ trang riêng, âm mưu biến vùng đất có tín đồ của họ thành khu tự trị[1].

Trước tình hình đó, để thống nhất lực lượng, xóa bỏ tình trạng quân phiệt cát cứ, Ngô Đình Diệm kêu gọi các giáo phái hợp nhất lực lượng vũ trang và sáp nhập vào quân đội Việt Nam Cộng hòa. Khi biện pháp kêu gọi không được các giáo phái ủng hộ, Ngô Đình Diệm cắt những khoản tài trợ cho các giáo phái, đánh vào hoạt động kinh tế của họ, đưa người xâm nhập vào hàng ngũ lãnh đạo giáo phái để mua chuộc, chia rẽ. Những bộ phận của từng giáo phái có hành động chống đối đều bị Ngô Đình Diệm huy động quân đội đàn áp, đánh dẹp[1].

Đối với đạo Cao Đài, một lực lượng gồm 5.000 người do Trung tướng Nguyễn Thành Phương đã ra hàng Ngô Đình Diệm. Một lực lượng khác của Phật giáo Hòa Hảo do thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ cũng ra hàng. Tuy nhiên Ngô Đình Diệm vẫn không kêu gọi được nhóm Phật giáo Hòa Hảo của đại tá Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt với một lực lượng vũ trang gồm 1.760 người[1].

Trước tình hình đó, chính phủ Sài Gòn ra lệnh giải tán quân đội Cao Đài, hủy bỏ các đặc quyền dành cho giáo phái. Cao Đài ở trong một tình trạng phân hóa đặc biệt, đa số các tướng lĩnh buộc phải đầu hàng chính phủ Sài Gòn[1].

Năm 1955, Nguyễn Thành Phương thành lập "ban Thanh trừng" để thanh lọc hàng ngũ Cao Đài. Trong số đạo hữu bị bắt có hai người con gái của Hộ pháp Phạm Công Tắc[1].

Ngày 19-2-1956, Phủ Tổng thống (chính phủ Sài Gòn) ra thông báo: Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc đã rời bỏ Tây Ninh, tình hình nơi đây rối ren nên chính phủ theo yêu cầu của các vị chức sắc Cao Đài và tướng Dương Thành Cao ra lệnh cho quân đội tới bảo vệ Tòa thánh Tây Ninh. Thực ra, đó chỉ là cớ hợp thức hóa đánh dẹp lực lượng Cao Đài, chiếm Tòa thánh Tây Ninh, Thánh địa của đạo Cao Đài. Hộ pháp Phạm Công Tắc chạy sang Campuchia và chết tại đó năm 1959. Từ đó, sau những lần xung đột dữ dội giữa quân đội Sài Gòn với lực lượng vũ trang của các giáo phái, các lực lượng vũ trang của các giáo phái do không cân sức về thực lực nên dần dần tan rã. Hệ thống lãnh đạo của Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài bị đàn áp, nhiều cấp lãnh đạo bị tù đày, một số lãnh đạo bị thủ tiêu, một số phải tìm đường lánh nạn. Hoàn cảnh đó buộc Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo phải lui dần về vị trí tôn giáo, tín ngưỡng, với ý định “chờ thời”. Trong việc đàn áp giáo phái, Diệm huy động cả giáo sĩ, tín đồ Công giáo. Những linh mục chống cộng khét tiếng như Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh… ở khu Công giáo tự trị Bùi Chu – Phát Diệm được tham gia cầm quân đi trấn áp[1]. Như vậy trong đời sống chính trị miền Nam dần dần chỉ còn hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo.

Ngô Đình Diệm sử dụng Đạo dụ số 10 coi các tôn giáo là hiệp hội. Đạo dụ số 10 vốn do “cựu hoàng đế” Bảo Đại ký ngày 06-08-1950 nhưng Hòa thượng Trí Quang đã vận động bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại khiến đạo dụ đã không thể thi hành. Dù Ngô Đình Diệm đã truất phế Bảo Đại, nhưng Đạo dụ số 10 vẫn được giữ lại. Đến thời Ngô Đình Diệm (1955-1963), trong bảng nghỉ lễ của các học đường vẫn không có lễ Phật đản là đương nhiên, nhưng lễ Noen lại được nghỉ. Ngày 9-1-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Dụ số 4 hủy bỏ ngày lễ Phật đản trong danh sách cho các học đường, công chức và binh sĩ. Điều này gây nên sự công phẫn trong dư luận xã hội nói chung và Tăng Ni, Phật tử miền Nam nói riêng[1]

Giữa chính quyền và Phật giáo còn một số mâu thuẫn khác điển hình là vụ ông Vĩnh Cơ, Hội trưởng Hội Phật giáo Nguyên thủy tại Đà Nẵng, một nhà buôn gạo bị tòa Đại hình sơ thẩm ngày 28-8-1956, kết án 10 năm khổ sai và tịch thu gia sản. Ngày 15/10, Ban Quản trị Phật giáo Nguyên thủy tại Đà Nẵng gửi thư tới Ngô Đình Diệm phản đối việc này và khẳng định “ông Vĩnh Cơ là một tín đồ Phật giáo rất chân thật, có công sáng lập Hội Phật giáo Nguyên thủy. Gia sản hiện hữu của ông do sự làm ăn buôn bán cần cù lâu năm mà có”. Mỗi hành động của chính quyền đều bị lãnh đạo Phật giáo xem là một âm mưu chống lại tôn giáo của họ. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng giải pháp vũ lực bằng cách: đem binh sĩ tấn công phong tỏa các chùa chiền, bắt bớ các nhà sư, Phật tử và những người có liên quan đến phong trào đấu tranh của Phật giáo.[1].

Trên núi Thiên Bút, tỉnh Quảng Ngãi vốn có nền cũ của Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách chiếm lấy để Công giáo xây nhà thờ. Tín đồ Phật giáo địa phương phản ứng quyết liệt. Cuộc đấu tranh giữ chùa trên núi Thiên Bút kéo dài cho đến năm 1963, chính quyền buộc phải hoãn việc xây nhà thờ Công giáo[1]. Ngày 27-7-1961, tại Cà Mau, quân đội Ngô Đình Diệm bắn hàng loạt đạn cối vào chùa Cao Dân, xã Tân Lộc khi 200 người dân và sư sãi Khmer đang làm lễ nhập hạ, làm 20 người chết và bị thương[1].

Trong cuốn Phật giáo Việt Nam (từ khởi thủy đến 1981) của Bồ Đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng ghi lại: “Ngô Đình Diệm còn lợi dụng Công giáo, gắn chiêu bài và xúi giục người Công giáo chống cộng. Bắt người Lương và Phật tử phải theo đạo Thiên Chúa, nhận rửa tội và gia nhập đạo Công giáo sẽ được ra khỏi trại giam”. Cùng vấn đề này, cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm viết: “Đối với dân gian từ năm 1954 đến năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm đã giết chết, bắt giam, tra tấn Phật giáo đồ; dụ dỗ cải đạo, cấm Phật tử đi lễ chùa”[1].

Dụ số 10

Trước khi xảy ra sự kiện Phật đản, tại Việt Nam đã có quan niệm cho rằng các chính quyền bảo hộ Pháp, Quốc gia Việt Nam có chính sách thiên vị tôn giáo sau này được Việt Nam Cộng hoà kế tục. Điều này góp phần đẩy mâu thuẫn tôn giáo vốn có lên cao. Sự kiện Phật Đản năm 1963 chỉ là sự bùng nổ của các mâu thuẫn vì lý do tôn giáo tích tụ trong lòng xã hội, và đặc biệt bị đẩy lên mức độ cực đoan trong thời kỳ của chính phủ Ngô Đình Diệm, từ 1954 đến 1963.

Năm 1950 Quốc trưởng Bảo Đại ban hành đạo dụ số 10 điều chỉnh các tổ chức hội đoàn. Điều 1 định nghĩa Hội: "Hội là Hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu.". Như vậy tôn giáo được xem là một loại hiệp hội. Đạo dụ này đặt ra những hạn chế đối với các hiệp hội như sau:

  • Tổng trưởng Bộ Nội vụ, nếu hội hoạt động trong toàn quốc hoặc ngoài địa hạt một phần Việt Nam; hay Thủ Hiến, nếu hội chỉ hoạt động trong địa hạt một phần Việt Nam, có quyền bác khước không cho phép lập hội mà không cần phải nói lý do. Phép cho rồi có thể bãi đi vì trái điều lệ hay vì lẽ trị an. (Điều 7)
  • Không hội nào có quyền nhận tiền trợ cấp của Chính phủ, của các quỹ địa phương, quỹ hàng tỉnh và quỹ hàng xã, trừ những hội khoa học, mỹ nghệ, tiêu khiển, từ thiện, thanh niên và thể thao (Điều 14)
  • Các hội chỉ có quyền chiếm hữu, tạo mãi, quản trị, đứng làm sở hữu chủ những bất động sản thật cần thiết để đạt mục đích của hội (Điều 14)
  • Những người có liên quan và Công Tố viên có quyền xin toàn án hủy bỏ những việc tạo mãi bất động sản trái với điều này. Bất động sản ấy sẽ đem bán đấu giá và được bao nhiêu tiền sẽ sung vào quỹ hội (Điều 14)

Đặc biệt trong đạo dụ này có điều khoản 44 có quy định "Chế độ đặc biệt dành cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau.", đặt các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội ra ngoài sự điều chỉnh của đạo dụ này.

Điều 44 của Dụ số 10 được nhiều người hiểu là một chính sách thiên vị về tôn giáo của nhà cầm quyền Quốc gia Việt Nam. Nhưng theo điều trần của Thiếu tướng Trần Tử Oai với phái đoàn Liên Hiệp Quốc điều tra tình hình tôn giáo tại Việt Nam thì "Trong thực tế, từ khi ban hành Dụ số 10, chính phủ chỉ áp dụng những điều khoản trong văn kiện ấy đối với những hội tôn giáo mà những hội tôn giáo có một tánh cách xã hội, như những hoạt động của "Phật giáo xã hội" chẳng hạn. Chính phủ chưa bao giờ dùng Dụ ấy để nhằm mục đích kỳ thị tôn giáo nào hết" và "Trong Điều 44 của Dụ ấy có nói đến một chế độ đặc biệt sẽ được quy định sau cho những phái đoàn truyền giáo Công giáo và Tin Lành cũng như cho những Lý-sự-hội Trung Hoa (nghĩa là những hội có tính cách tôn giáo hay không của ngoại quốc hay quốc tế). Có quy chế riêng cho các Hội truyền giáo Thiên Chúa giáo và Hoa Kiều Lý sự hội không có nghĩa là họ được hưởng đặc quyền. Trái lại lại có mục đích giới hạn sự thủ đắc những bất động sản của ngoại kiều và bảo tồn độc lập cho xứ sở."[5] Vậy dụ số 10 của Quốc gia Việt Nam tạo ra những sự khác biệt trong quản lý hoạt động của các tôn giáo. Ngô Đình Diệm sau khi trở thành Tổng thống vẫn giữ nguyên đạo dụ số 10. Việc giữ dụ số 10 được một số người xem là một công cụ để đàn áp tôn giáo.

Dư luận tại Việt Nam cho rằng Thiên chúa giáo được ưu đãi so với các tôn giáo khác trong đó có Phật giáo. Hội truyền giáo Thiên Chúa giáo là tổ chức tôn giáo duy nhất tại Việt Nam có chế độ đặc biệt, trong khi đó các tôn giáo khác chỉ có tư cách của một hiệp hội tư nhân mặc dù các tu sĩ Phật giáo đã nhiều lần yêu cầu thay đổi. Toàn bộ viện trợ thực phẩm của Hoa kỳ (Chương trình thực phẩm vì hòa bình) đã bị Tổ chức xã hội Thiên chúa giáo và các linh mục tại các thôn xã lợi dụng để vận động dân chúng theo đạo. Tổng giám mục Ngô Đình Thục muốn cải đạo một phần ba dân số Việt Nam để hy vọng sẽ được phong làm Hồng y. Phật giáo phải xin phép chính quyền mỗi khi muốn mở một bệnh viện hay trường học, muốn mua đất đai để xây chùa hay tổ chức các lễ hội rước tượng Phật trong khi Thiên chúa giáo không phải xin phép (không bị cản trở). Các đơn xin phép của Phật giáo chỉ được chấp nhận một cách khó khăn, thưa thớt và hay chậm trễ.[6]

Phương thức đấu tranh bất bạo động

Bất bạo động (Satyagraha) là một phương pháp cốt lõi của Phật giáo được giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam chọn làm phương pháp chỉ đạo cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo. Chọn “bất bạo động” làm phương pháp chỉ đạo cho cuộc đấu tranh chống lại chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm, Tăng Ni và Phật tử miền Nam biết trước là phải “chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ”, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng sự hy sinh ấy sẽ làm “rung động đến tận lòng người, chứ không chỉ rung động chính sách mà thôi”.[2].

Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Kết tinh trong một vị chân tu những nỗi căm hờn đối với một chế độ độc tài cá nhân gai đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược, hành động dũng cảm của Hoà thượng Thích Quảng Đức là một bản án không gì bôi được với chế độ bù nhìn của Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời là một lời kêu gọi đồng bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hoà thượng Thích Quảng Đức[2].

“Bất bạo động” trong “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” đã trở thành sức mạnh góp phần cô lập cao độ chính quyền Ngô Đình Diệm, đẩy chính quyền này đi đến chỗ sụp đổ. Lần đầu tiên, lịch sử Việt Nam ghi nhận một phương pháp đấu tranh mới – phương pháp bất bạo động - mà kết quả đem lại là việc chế độ Ngô Đình Diệm xây dựng trong 9 năm đã bị sụp đổ trong chớp mắt, dù Ngô Đình Diệm cứ đinh ninh rằng không một lực lượng nào dưới quyền thống trị của ông ta có thể làm được[2]